Thứ năm, 08/06/2023

Hội thảo khoa học “Hệ sinh thái học tập sáng tạo: Lý luận và thực tiễn trên thế giới và ở Vệt Nam” được tổ chức ngày 18/5/2023 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có sự tham gia của đại diện các sở, ban ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ các Viện, Trường, Đại học như: TS. Nguyễn Văn Hoạt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội, GS.TS Trần Trung, Giám đốc Học viện Dân tộc, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, GS.TS. Đặng Văn Soa, UV Hội đồng chức danh ngành Vật lý,… cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tác chiến lược về Khoa học & Công nghệ của Nhà trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội.

TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường điều hành Hội thảo

Hội thảo đã công bố những kết quả nghiên cứu bước đầu của các nhiệm vụ trong Chương trình 1217 về lý luận và thực tiễn trên thế giới và Việt Nam về hệ sinh thái học tập sáng tạo.

Hội thảo đã lắng nghe 03 báo cáo tham luận về kết quả nghiên cứu của Ban chuyên môn thực hiện Chương trình 1217 gồm: Tổng quan nghiên cứu về thành phố sáng tạo, giáo dục sáng tạo, hệ sinh thái học tập sáng tạo (Ban Chuyên môn Chương trình 1217); Hệ sinh thái học tập, sáng tạo - Các thành tố và tiêu chí (Ban Chuyên môn Chương trình 1217); Nghiên cứu ảnh hưởng của chương trình đào tạo đến nhận thức của sinh viên sư phạm về tự chủ nghề nghiệp giáo viên phổ thông trong phát triển chương trình nhà trường   (TS. Hoàng Thị Kim Huệ (Khoa Quản Lý giáo dục Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhóm nghiên cứu).

Hội thảo đã thảo luận sôi nổi về kết quả nghiên cứu bước đầu về Hệ sinh thái học tập sáng tạo. TS. Nguyễn Văn Hoạt (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội) chia sẻ những nghiên cứu về thành phố sáng tạo và định hướng phát triển Hà Nội – Thành phố sáng tạo. 

GS. Trần Trung trao đổi một số nghiên cứu về giáo dục sáng tạo trên thế giới và Việt Nam: cách tiếp cận về hệ sinh thái học tập sáng tạo: từ giáo dục sáng tạo hay hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp, hệ sinh thái giáo dục số. GS Trần Trung tán thành với 5 thành tố được xác định trong hệ sinh thái học tập và gợi mở một số hướng tiếp cận xây dựng hệ sinh thái học tập sáng tạo.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, người cũng đã có những công bố khoa học về hệ sinh thái học tập: Chia sẻ về “Phát triển văn hóa sáng tạo trong thành phố sáng tạo”.  TS. Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh sáng tạo là tố chất gắn với con người. Sự tương hỗ văn hóa với kinh tế tác động đến từng chủ thể cá nhân, kể cả học trò nhỏ. Đặc biệt cần khơi gợi và phát triển phẩm chất sáng tạo của người học. Lí thuyết giáo dục dựa vào bối cảnh, cần nhấn mạnh hơn về bối cảnh mở và liên tục biến động.

PGS. Chu Cẩm Thơ đồng tình với tiêu chí Văn hóa chiến lược trong hệ sinh thái học tập sáng tạo và cho rằng bộ tiêu chí đánh giá hệ sinh thái học tập sáng tạo cần đi từ các vấn đề sáng tạo bên trong; cần tham khảo các nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu mô hình các Thành phố khác đã thành công (Vũ Hán, Chiang Mai…). Cần đưa thêm vào hệ sinh thái các phần mềm cụ thể hỗ trợ sáng tạo cho trẻ em hoặc sáng tạo điện ảnh.

Hội thảo đã thảo luận sôi nổi và bước đầu đưa ra một số kết luận về cơ sở lý luận và thực tiễn của Hệ sinh thái học tập, sáng tạo. Đây là cơ sở để Nhà trường triển khai các bước tiếp theo nghiên cứu và xây dựng hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 17 tháng 3 năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội xây dựng một chương trình riêng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xác định đây là những yếu tố “thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được giao 03 nhiệm vụ trong Chương trình số 07-CTr/TU trong đó Chương trình 1217/CT-ĐHTĐHN về Phát triển mô hình “hệ sinh thái học tập, sáng tạo” ở các cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội  được UBND Thành phố phê duyệt theo Quyết định số 4906/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2022 (Chương trình 1217). 

Chương trình 1217 xác định mục tiêu: Xây dựng và phát triển mô hình “hệ sinh thái học tập, sáng tạo” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trong đó nhấn mạnh việc phát triển năng lực học tập, sáng tạo của học sinh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố Hà Nội sáng tạo. Tạo lập môi trường thuận lợi để đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các bậc học dựa trên khai thác nền tảng công nghệ số nhằm thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Từng bước mở rộng mô hình hệ sinh thái học tập, sáng tạo vào các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội; chủ động đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của các trường học trong một hệ sinh thái chung, lấy trường học làm trung tâm; góp phần xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh bền vững.

Chương trình gồm các nội dung: Nghiên cứu mô hình hệ sinh thái học tập, sáng tạo; Xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập, sáng tạo; Thực nghiệm thí điểm mô hình Hệ sinh thái học tập, sáng tạo; Phát triển mô hình Hệ sinh thái học tập, sáng tạo ở các cấp học trên toàn thành phố; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; Thông tin tuyên truyền về Chương trình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

LIÊN HỆ
  • Cơ sở 1: Số 98 Phố Dương Quảng Hàm, P. Quan Hoa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
  • (+84) 24.3833.8603
  • (+84) 24.3833.0708
  • thuvien@daihocthudo.edu.vn
CÁC CƠ SỞ KHÁC
  • Cơ sở 2: Đường 131 thôn Đạc Tài, Xã Mai Đình, Huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội
  • Cơ sở 3: Số 6 Phố Vĩnh Phúc, Ba Đình, TP. Hà Nội
  • Cơ sở 4: Thị trấn Thường Tín, Huyện Thường Tín, TP. Hà Nội
Copyright © 2022 Trung tâm Thư viện Đại Học Thủ Đô
Top